CSGT có được phép dừng xe trên cao tốc xử phạt vi phạm hành chính? |
Vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của các độc giả về việc Cảnh sát giao thông có đươc phép dừng xe trên đường cao tốc để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện vi phạm luật giao thông hay không? Trước câu hỏi này, PV đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Văn phòng luật sư Interla để tìm hiểu một số vấn đề pháp lý có liên quan.
PV: Thưa luật sư, theo luật sư thì Cảnh sát giao thông có được thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc hay không?
Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BCA có quy định về tuần tra, kiểm soát công khai của cảnh sát giao thông như sau:
“1. Phương thức tuần tra, kiểm soát công khai:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;
b) Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông;
c) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông;
d) Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
Việc tuần tra, kiểm soát công khai trên đường cao tốc được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d khoản này”
Căn cứ vào quy định trên thì Cảnh sát giao thông có quyền thực hiện việc tuần tra, kiểm soát công khai trên đường cao tốc dưới hình thức cơ động, hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc hoặc có thể kết hợp cả hai hình thức trên.
Tuy nhiên, việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc phải được thực hiện theo kế hoạch đã được Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, địa điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát.
CSGT có được phép dừng xe trên cao tốc xử phạt vi phạm hành chính?
PV: Thưa luật sư, vậy trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc, Cảnh sát giao thông có được phép dừng xe của người điều khiển phương tiện giao thông để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính không?
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA có quy định về quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc như sau:
“1. Được dừng các phương tiện đang tham giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật…”.
Như vậy, theo quy định này thì Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường cao tốc dừng lại, kiểm tra giấy tờ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
Cụ thể theo Điều 5 Thông tư 03/2016 của Bộ Công an quy định về quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của Cảnh sát giao thông đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính như sau: Khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại các vị trí sau: Điểm đầu, cuối đường cao tốc; Khu vực Trạm thu phí trên đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; Đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc; Khi tuần tra, kiểm soát cơ động trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp sau: Phát hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT có nguy cơ tức thời gây mất ATGT nghiêm trọng; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc; Có yêu cầu của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm; Phát hiện phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên đường cao tốc.
Như vậy, nếu áp dụng các thông tư được nêu ở trên thì Cảnh sát Giao thông được quyền dừng xe của người tham gia giao thông trên cao tốc để thực hiệc việc tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật.
PV: Thưa luật sư, có ý kiến cho rằng, các quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA trên không phù hợp với Quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, luật sư có quan điểm như thế nào về nhận định trên?
Theo quan điểm của tôi, các quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA và Thông tư số 03/2016/TT-BCA là những quy định nhằm luật hóa các hành vi, biện pháp mà Cảnh sát giao thông được phép áp dụng nhằm giám sát, quản lý trật tự an toàn giao thông cũng như xử lý kịp thời các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên, về việc Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử phạt vi phạm hành chính trên đường cao tốc được quy định tại các Thông tư này có sự mâu thuẫn, không phù hợp với Quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 cũng như không đảm bảo được an toàn đường bộ. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, các phương tiện trên đường cao tốc thường di chuyển với tốc độ cao, tối đa có thể lên đến 120km/h tùy thuộc vào từng tuyến đường. Do đó, trong trường hợp này, nếu Cảnh sát giao thông bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột thì có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển phương tiện và những xe đang đi với tốc độ nhanh ở phía sau.
Thứ hai, việc dừng xe trên đường cao tốc như trên còn mâu thuẫn, đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cũng như quy định về khoảng cách giữa hai xe đươc ghi nhận tại khoản 1 điều 12 Luật giao thông đường bộ 2008, gây mất an toàn giao thông đường bộ.
Thứ ba, theo Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 thì không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường, khi ra khỏi đường cao tốc phải chuyển dần sang làn đường bên phải hoặc làn đường giảm tốc (nếu có), khi vào đường cao tốc phải nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó. Như vậy, nếu áp dụng việc dừng xe để xử phạt vi phạm hành chính tại các địa điểm như đã nêu tại Thông tư 03/2016/TT-BCA (như dừng xe tại đầu đường cao tốc, cuối đường cao tốc, làn dừng phương tiện khẩn cấp,…) phải chăng là đang cản trở việc tham gia giao thông của các phương tiện di chuyển trên đường, gây mất an toàn giao thông?
Từ những gì đã phân tích ở trên, tôi thiết nghĩ, kiểm soát, quản lý việc tham gia giao thông trên cao tốc là một điều cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, để hoạt động này có hiệu quả thì Cơ quan có thẩm quyền nên áp dụng các biện pháp như: gắn camera ghi lại các hình ảnh vi phạm, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác, từ đó làm cơ sở để xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm khi những người này đã rời khỏi đường cao tốc. Phương pháp này vừa đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm, vừa đảm bảo an toàn giao thông cho chính chủ phương tiện vi phạm và những người xung quanh. Còn đối với việc cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe và xử lý vi phạm ngay trên đường cao tốc là trái với quy định của Luật giao thông đường bộ 2008.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Công lý